Như Chuyên đề ANTG đã đăng, Chuyên án 512.G, sự phối hợp hoàn hảo giữa Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Bộ Công an Việt Nam đã khép lại. Kẻ chủ mưu Nguyễn Văn Long đã phải ra hầu tòa. Cộng sự đắc lực của y, “Người đưa đường” Văn Xuân Khuê cũng đã bị bắt giam và sớm đứng trước vành móng ngựa. Nhưng điều ám ảnh lớn nhất đối với PV ANTG khi theo dõi vụ án này, không phải là sự xảo quyệt và tận cùng độc ác của thủ phạm, mà là sự suy sụp và khủng hoảng của các nạn nhân, kéo dài không biết đến tận khi nào…
1. Thị xã Long Khánh, một buổi chiều đầu tháng 10/2013, chìm trong những cơn mưa rả rích. Bên trong quán hủ tiếu vắng khách ở phường Xuân An, gần ga Long Khánh, một người đàn ông đen đúa, vóc dáng gầy nhỏ, chăm chú pha nước dùng cho cữ bán hàng xẩm tối.
Khi PV bước vào, ông chủ quán ngừng ngay công việc, ném ra ánh mắt dò xét đối với vị khách lạ. Ánh mắt từ dò xét chuyển ngay sang đề phòng khi PV hỏi ông có phải là P.V.L. không. Cẩn trọng lùi lại tạo một khoảng cách an toàn ngoài tầm tay với, người chủ quán chừng 45 tuổi trả lời “đúng rồi”.
http://Tanchau123.Blogspot.Com
Thông báo của Cục Điều tra liên bang Mỹ về việc cáo buộc Nguyễn Văn Long phạm tội trước Tòa án Seattle.
Khi nghe PV xuất trình giấy tờ và nói qua nội dung muốn tiếp xúc, khuôn mặt ông P.V.L trở nên căng thẳng. Ông bỗng như trở nên kích động, vung tay nói to “Những gì cần nói đã nói hết với công an rồi, lên đó gặp họ mà hỏi”, ý chừng như muốn đuổi khách.
Khi khách càng thể hiện sự nhẫn nại và kiên trì, ông P.V.L. càng bị kích động. Ông liên tục đi lại, phủ định tất cả những câu hỏi của PV, luôn miệng nói: “Tôi không biết anh là ai cả. Không có chuyện gì xảy ra ở đây cả”.
Ngay lúc này, một chiếc Honda cũng xịch đến cửa quán, một người đàn ông dáng trung bình bước vào quán, ngồi xuống ghế. Ánh mắt của ông cũng đầy vẻ cảnh giác, găm chặt vào nhất cử nhất động của người khách lạ mặt, là tôi.
…Sự cảnh giác của người chủ quán P.V.L. và bạn của ông không phải là không có cơ sở. Cách đây chừng một năm, tầm 11 giờ trưa, 2 vị khách lạ mặt cũng bước vào quán. Sau khi ngồi ăn hết 2 tô hủ tiếu, họ lên xe quay đi. Chỉ ít phút sau, 2 người lạ mặt quay lại.
Người khách ngồi sau bước xuống xe, tiếp cận ông P.V.L. để hỏi đường. Vị chủ quán vừa kịp cất lời thì vị khách lạ mặt vung dao lên. Cú đâm sát thủ găm thẳng vào cổ ông P.V.L. Ôm cổ chạy vào trong nhà, ông L. không kịp tri hô. Hai sát thủ rồ ga biến mất. Lúc đó là 11 giờ 30 phút. Đứa con nhỏ của ông L. ngơ ngác chứng kiến cảnh bố mình bị đâm ngay trước mặt, hoảng loạn la hét…
http://Tanchau123.Blogspot.Com
Nguyễn Văn Long và “người đưa đường” Văn Xuân Khuê.
Đó là câu chuyện mà bà H.T.K.C., vợ của ông L. kể lại cho PV ANTG. Có lẽ, trong cái gia đình nhỏ này, bà K.C. là người duy nhất vẫn giữ được sự điềm tĩnh. “Ở đây người lạ vào ăn là chúng tôi biết ngay. Khi 2 người đó vào ăn, tôi hỏi là đi làm gì ở đây. Chúng nói là đi làm điện. Hai đứa còn rất trẻ, mặt vẫn còn con nít”, bà K.C. kể lại.
“Sau khi đưa chồng đi bệnh viện nối lại mạch máu, gia đình vẫn bàng hoàng không hiểu chuyện gì xảy ra. Chúng tôi vẫn nghĩ là chúng nó có thù hằn với ai, rồi đâm lộn người. Ngay cả chồng tôi cũng nghĩ là chúng nó định cướp, nhưng thấy mình chạy vào nhà nên bỏ chạy”.
“Gia đình tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện thằng Long lại tính thuê người giết anh vợ nó, vì chẳng có lý do gì cả, chẳng có xích mích gì cả. Nếu có, thì chắc chỉ có một chút khúc mắc nhỏ liên quan đến việc theo đạo trong gia đình thôi. Còn thằng Khuê cháu thằng Long, ngày trước nó còn xuống đây ở nhà tôi 2 ngày để đi tìm việc, ai ngờ giờ nó đang tâm dẫn đường cho người tới định giết chồng tôi”.
“Chỉ tội cho đứa nhỏ trong nhà, từ ngày tận mắt chứng kiến bố bị đâm, cháu nó bị ám ảnh, học hành sa sút hẳn”, chất giọng Huế của bà K.C. cất lên, hàm chứa nhiều sự bất an.
…Câu chuyện của PV ANTG và bà K.C. liên tục bị ngắt quãng bởi những câu nói: “Ở đây không có chuyện gì đâu”, “Nhà này không muốn nói đến chuyện ấy đâu” của ông P.V.L. Thở dài, bà K.C. nói, thôi có gì chú sang bên nhà em gái ông ấy nói chuyện kỹ hơn, chứ ông ấy động đến chuyện này là cứ nổi nóng lên như thế. “Từ khi biết chuyện thằng em rể định thuê người giết mình, kết hợp với việc chết hụt đã xảy ra, ông ấy không muốn nghe ai nhắc đến chuyện này nữa”…
2. PV ANTG đứng chôn chân gần 30 phút trước căn nhà nằm trong một ngõ nhỏ thuộc phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh. Trong cơn mưa lất phất tuy nhỏ nhưng cũng đủ ướt người, trong tiếng gọi của vị khách lạ liên tục cất lên, cánh cửa sắt của căn nhà vẫn im ỉm khóa kín.
Phía bên trong, cửa gỗ của căn nhà vẫn mở. Những chiếc xe máy dựng bên ngoài chứng tỏ chủ nhân vẫn đang ở nhà, nhưng im ắng không một tiếng đáp phản hồi. Cám cảnh, những người hàng xóm thấy vậy nhiệt tình động viên “có người trong nhà đó, chú cứ gọi”. Thậm chí, có người còn đứng gọi hộ chúng tôi.
Phải chừng hơn 30 phút, một gương mặt phụ nữ vẻ mệt mỏi ló ra từ phía trong, hỏi chuyện. Nghe lời giới thiệu, người phụ nữ khoảng trên 40 tuổi này yên lặng một lúc, rồi đi vào nhà. Mấy phút sau, một người đàn ông lực lưỡng bước ra, tiến tới cánh cửa sắt, ánh mắt cẩn trọng dò xét cất tiếng hỏi. Sau khi thấy yên tâm, ông lấy chìa khóa trong túi ra, mở cửa mời khách vào.
Ngay lúc này, một tiếng nẹt pô vang lên. 2 người đàn ông đội mũ lưỡi trai đỗ xịch trước cửa ngôi nhà. Người cầm lái nhìn tôi rồi hỏi chuyện người đàn ông áng chừng là chủ nhà. Yên tâm với câu trả lời, hai người đàn ông phóng xe đi.
…Trong căn phòng khách, anh Đ.N.H. bình tĩnh châm trà mời khách. Ngồi bên cạnh chồng, chị P.T.T, vẻ mặt mệt mỏi, không giấu được vẻ thất thần. Hai vợ chồng này đều là nạn nhân trong kế hoạch giết người hàng loạt của Nguyễn Văn Long với mệnh lệnh lạnh lùng giao cho đặc vụ “UC”: “Mục tiêu trong nhà có bao nhiêu người thì làm hết bấy nhiêu, cứ một người là được tính tiền như một mục tiêu”.
Chị P.T.T. cứ ngồi chống mặt thở dài nghe chồng nói chuyện, rồi thi thoảng lại hỏi rằng Long có khai ra nguyên nhân mâu thuẫn khúc mắc gì mà định giết cả nhà vợ chồng chị không. Người phụ nữ có khuôn mặt hiền lành này cho biết, bản thân chị không hề có mâu thuẫn xích mích gì với Long cả. Ngay cả trong những lần thường xuyên nói chuyện với em gái là P.T.P. (vợ Long), P. cũng không hề đề cập đến chuyện chồng mình có thù ghét gì nhà vợ cả.
Anh Đ.N.H., người anh cọc chèo của Long, cho biết đến bây giờ gia đình anh vẫn không tin đó là sự thực. Ngay cả khi biết Long đã khai nhận trong phiên tòa sơ thẩm ở Seattle rằng có ý định giết vợ chồng mình, và ngay cả khi nhân viên của Bộ An ninh Nội địa Mỹ gặp anh để thông báo vụ việc đã diễn ra như vậy, anh Đ.N.H vẫn cho rằng câu chuyệc chắc không phải đến mức độ như vậy.
“13 năm tôi lấy vợ. 13 năm tôi là anh em cọc chèo với Long nhưng chưa từng gặp mặt Long một lần, nói có người em tên là Long thì biết là Long, thì lấy đâu ra mâu thuẫn để nó đến mức có ý định giết tôi như vậy. Tôi đang đi làm xây dựng trên TP HCM thì nhận được điện thoại của nhân viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ hẹn gặp nói chuyện. Nói chuyện xong mà tôi đến giờ vẫn không tin đó là sự thật”, anh Đ.N.H. bức xúc.
“Về mặt kinh tế, tôi cam đoan là chưa từng dây dưa với Long chuyện gì cả. Có chăng ngày tết hoặc ngày sinh nhật, Long có lì xì cho các con tôi vài chục USD hay 100 USD để các cháu mua quà thôi. Bản thân tôi đi làm xây dựng cũng đủ để nuôi vợ ở nhà nội trợ chăm sóc 3 đứa con, chứ không có chuyện phải nhờ vả về kinh tế để dẫn đến chuyện khúc mắc với Long”.
“Mấy bữa nay vợ tôi rất lo sợ và hoảng loạn. Vợ tôi có tính hay lo sợ, nhiều khi con cái học hành trong tuần không tốt, vợ tôi đã lo cuối tuần tôi về nhà la mắng rồi, huống chi những chuyện như vậy. Vợ con tôi ở nhà đọc báo trên mạng, thấy cả tên mình đăng trên đó. Con bé lớn cứ hỏi chuyện, nhưng gia đình phải cố gắng tránh để ảnh hưởng đến tinh thần của các cháu”, anh H. tâm sự.
…Có một chi tiết phản ánh chút nhân tính còn le lói của Nguyễn Văn Long là trong cuộc điện thoại vào lúc 14 giờ ngày 5/6/2012, Long nhắc đi nhắc lại 2 lần với đặc vụ “UC” trong vai sát thủ là không được giết trẻ em. Thông tin này khác hẳn với những gì “Người đưa đường” Văn Xuân Khuê nói với các trinh sát Phòng 6 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội phía Nam trong vai “sát thủ” là giết tất cả mọi người trong nhà tại thời điểm ra tay…
… Tiễn khách ra tận cửa, anh H. thổ lộ, khi sự việc diễn ra, thực ra vợ chồng anh chị thương nhất là P.T.P (vợ của Long). Là người đứng giữa, P. hẳn sẽ cảm thấy vô cùng bất hạnh và có lỗi khi cuộc hôn nhân của mình suýt nữa đem lại thảm họa cho gia đình của anh trai và chị gái. “Thực ra cái P. là người rất đàng hoàng. Khi thằng Long đi tù, có gửi tiền cho P. trong tài khoản. Nhưng khi ra tù, P. đã trả lại hết cho Long, không hề đụng đến một đồng”, anh H. kể lại.
3. Có một nạn nhân khác nữa trong vụ án này, một nạn nhân “đặc biệt”, vừa đóng vai thủ phạm, vừa đóng vai nạn nhân. Khi nhận lệnh của người cậu Nguyễn Văn Long dẫn đường cho “sát thủ” đi sát hại gia đình bên vợ, Văn Xuân Khuê không biết được chính mình mới là đối tượng đầu tiên cần bị thủ tiêu.
Khi được các trinh sát thông báo mình chính là nhân vật chính trong bản danh sách cần giết, “Người đưa đường” chút nữa khuỵu xuống. Được cậu tin cậy gửi cho 100.000 USD, Khuê đã vi phạm lời hứa chỉ được tiêu phần lãi, mà đã tiêu lạm vào tới gần một nửa. Điều này đã khiến cho một ông trùm giang hồ như Long cảm thấy bị qua mặt.
Ngày 22/6/2012, Nguyễn Văn Long được đặc vụ “UC” bố trí gặp “đối tác” là một sát thủ (do đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI vào vai) tại một quán Starbucks. Trong cuộc gặp này, Nguyễn Văn Long đã thay đổi kế hoạch bằng cách yêu cầu “sát thủ” ra tay với “Người đưa đường” trước, sau đó mới ra tay với các mục tiêu khác.
Long không ngại ngần thổ lộ với đặc vụ của FBI rằng thằng cháu của mình mới là nguyên nhân gây lộn xộn trong gia đình, và không còn giá trị lợi dụng nữa. Không chỉ có ý định giết mình Khuê, anh và chị của Khuê, cũng là cháu của Long, cũng đã được liệt kê trong danh sách của Long đưa cho “sát thủ” ở Việt Nam.
…May mắn cho các nạn nhân, sự hợp tác hiệu quả giữa cơ quan chức năng của hai quốc gia đã chặn đứng một vụ giết người hàng loạt, mà nếu xảy ra, sẽ gây chấn động cả dư luận.
Nhưng có một vấn đề cần đặt ra trước khi phiên tòa chính thức xét xử Nguyễn Văn Long diễn ra vào tháng 1/2014 tại Mỹ: việc đe dọa và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần (mental health) của các nạn nhân trong vụ án phải được đặt ra như một yếu tố quan trọng để xét tăng nặng đối với thủ phạm. Án tù dự tính kéo dài 14 năm của Nguyễn Văn Long còn có thời điểm chấm dứt, nhưng sự sợ hãi, thậm chí khủng hoảng về mặt tinh thần của các nạn nhân sẽ kéo dài, thậm chí sẽ khó có thể phai nhòa trong cuộc đời họ.
Hy vọng, đây sẽ là cơ sở quan trọng để các thẩm phán Mỹ cân nhắc tình tiết tăng nặng trong khung hình phạt từ 14 đến 20 năm tù giam!

Đăng nhận xét