ThS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Chứng đái tháo đường thực sự đang trở thành một căn bệnh thời hiện đại. Trước đây, bệnh đái tháo đường type 2 thường xuất hiện ở những người trên 45 tuổi. Song hiện nay bệnh xuất hiện ở người trẻ ngày càng nhiều. Không ít bệnh nhân có độ tuổi từ 11-15…
Khoảng 5 triệu người Việt Nam bị đái tháo đường

GS Thái Hồng Quang - Chủ tịch Hội Đái tháo đường Việt Nam cho biết: Đa số người bị tiểu đường ở Việt Nam thường phát hiện bệnh muộn. Các dấu hiệu nhận biết đái tháo đường ở type 1 thường không rõ ràng nên người bệnh thường chủ quan không kiểm tra sức khỏe, tầm soát sớm để nhận biết. Khi bệnh đến type 2 mới phát hiện ra. Biểu hiện chung của bệnh tiểu đường là thường mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân, cảm giác luôn khát nước. Người bệnh thường đi tiểu nhiều, ăn không thấy ngon, chậm lành vết thương. Ngoài ra còn có các dấu hiệu như thay đổi về trạng thái tâm thần, nhìn mọi vật thấy bị mờ... Hơn 25% bệnh nhân đái tháo đường có các vấn đề về bàn chân. Loét chân ở người bị đái tháo đường xảy ra trên cả bệnh nhân type 1 và type 2.

GS Thái Hồng Quang khuyến cáo, khi có những biểu hiện nặng, đường huyết tăng cao, bạn cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống, gặp bác sỹ để có chỉ định nếu phải dùng thuốc.

ThS. BS Phan Hướng Dương cho biết, hiện nay có khoảng 5 triệu người bị đái tháo đường được phát hiện. Tuy nhiên, con số chưa được phát hiện còn rất nhiều trong cộng đồng. Trước đây độ tuổi bị đái tháo đường thường gặp là trên 45 tuổi nhưng hiện nay tuổi bị tiểu đường ngày càng trẻ, có những bệnh nhân mới 11 tuổi.
Các chuyên gia khuyến cáo, đi bộ, năng tập thể dục mỗi ngày là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh đái tháo đường. Ảnh minh họa
Bệnh ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng sống

ThS. BS Phan Hướng Dương chia sẻ: Đái tháo đường type 2 là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới, đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Sở dĩ bệnh gia tăng ở Việt Nam là do không ít người lười vận động, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, trẻ em bị béo phì, nghiện game và tivi, không hoạt động thể lực…

Nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, các nhà khoa học trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu phòng bệnh. Các biện pháp can thiệp chủ yếu là thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Bệnh có thể phòng tránh được bằng cách mỗi người hãy xây dựng một lối sống hợp lý, lành mạnh. Các chuyên gia khuyến cáo, đi bộ 30 phút mỗi ngày có thể giảm được 40% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Bệnh có thể khống chế được nếu bệnh nhân giảm từ 5 - 7% trọng lượng cơ thể.

Theo các chuyên gia y tế, để đẩy lùi bệnh tiểu đường cần loại bỏ thuốc lá, bia rượu. Hoa quả như dưa hấu, dâu tây, dưa lưới, bơ, lê, đào, cherry, bưởi, cam, đu đủ, quýt, quả cóc… đều là những loại quả an toàn cần thiết cho bệnh nhân tiểu đường. Uống trà xanh vào mỗi buổi sáng vừa giúp tinh thần sảng khoái và cũng có lợi cho bệnh nhân.

Ngoài ra các loại thức ăn nên bổ sung cho bệnh nhân tiểu đường là cá biển, miến, thịt bò, rau xanh, đậu, yến mạch (làm giảm nguy cơ bệnh, giúp trái tim khỏe mạnh...), sữa chua ít béo, hạnh nhân, lòng trắng trứng... là những thực phẩm an toàn, nên bổ sung qua khẩu phần ăn.
Theo Hoài Nam

Đăng nhận xét