NSND Trịnh Thịnh: Lão nông xuất thân từ phố thị
Là một nhân viên ngân hàng, hầu như không được đào tạo bài bản về diễn xuất, thế nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thịnh dường như sinh ra để dành cho nghiệp diễn. Trong gia tài ông để lại, nổi bật nhất là những vai diễn nông dân, hoặc các nhân vật mang đậm dấu ấn của làng quê Việt Nam.
Đó là hình ảnh một lão thuyền chài cả đời u uất, rồi kết liễu bằng cái chết (Lời nguyền một dòng sông), một ông nội thằng Bờm ngây ngô, hài hước khiến khán giả cười ra nước mắt (Thằng Bờm), hay ông Củng - người có đến 8 đứa con trai và luôn mong chờ vợ đẻ con gái (trong Vợ chồng anh Lực).
Nói về lý do chọn những vai diễn nông dân, cố diễn viên từng chia sẻ: “Trong thâm tâm tôi, hình ảnh người nông dân bao giờ cũng đẹp, cũng trong sáng, chân tình”. Ông luôn cố gắng tái hiện đúng cái hồn của nhân vật bởi “nghề diễn viên không phải nghề bắt chước, không phải nghề diễn cho đúng với nhân vật mà phải hóa thân vào nhân vật bằng cả tâm hồn, tình cảm chân thực nhất của mình. Không được giả dối với cả chính nhân vật mình đang đóng. Theo tôi, đó là bản lĩnh đầu tiên cần có ở một người diễn viên".
NSƯT Văn Hiệp: Ông trưởng thôn vui tính
Tốt nghiệp khóa đầu tiên Đại học Sân khấu Điện ảnh, cố nghệ sĩ Văn Hiệp được biết tới bởi một loạt vai diễn trong các bộ phim, chương trình truyền hình, tác phẩm kịch nói…
Với nụ cười hồn hậu, đôi mắt biết cười, ông thường được các đạo diễn “đóng khung” trong những vai nông dân chất phác, tốt bụng và hài hước. Vai diễn đánh dấu sự khởi nguồn với hài kịch của Văn Hiệp chính là Ốc trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến của đạo diễn Dương Ngọc Đức. Sau đó, series kịch bản về "Trưởng thôn Văn Hiệp" cùng hai danh hài Quang Tèo và Giang Còi đã khiến ông trở thành người nghệ sĩ sống mãi trong lòng khán giả.
Nghệ sĩ Văn Hiệp nghỉ hưu từ năm 2002. Đến tháng 4/2013, ông tìm đến cõi vĩnh hằng sau những tháng ngày sống trong cô đơn và bệnh tật. Ông chỉ được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú sau khi đã qua đời, với lá đơn đề nghị từ những nghệ sĩ đàn em luôn kính trọng và yêu mến ông.
NSƯT Thu An: Bà lão nông dân đáng kính
Nghệ sĩ Thu An sinh năm 1925, lớn lên ở phố Hàng Muối - Hà Nội. Trước khi đến với điện ảnh bà đã từng đi bộ đội, là văn công của đại đoàn 308. Bà bén duyên với nghiệp diễn ngay từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam - Chung một dòng sông - với vai Cạn, cô lái đò ở Quảng Bình.
Sau vai diễn đó, nghệ sĩ Thu An thành công với những vai phụ nữ nông thôn khác trong Sao tháng Tám, Mẹ chồng tôi (vai mẹ chồng), Tướng về hưu(vai vợ ông tướng Thuấn), Vợ chồng anh Lực (người vợ nông dân đẻ tới 9 thằng con trai)… Bà tâm sự: “Có lần diễn vai nông dân đi cấy, tôi phải đi thực tế nhiều ngày, học cày, học cấy, đỉa bám đầy chân, sợ mà vẫn phải cố”.
Cuối đời, nghệ sĩ Thu An mở một quán trà nhỏ kiêm công việc bán cây cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám. Bà cũng nhiệt tình tham gia vào công tác từ thiện trước khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 89, trong niềm tiếc thương của nhiều khán giả.
Nghệ sĩ Tuấn Dương: Người nông dân hài hước và tinh quái
Tuấn Dương sinh tại xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ông học tại Khoa Văn hóa Quần chúng (Đại học Văn hóa Hà Nội). Trước đó ông làm việc tại Cục Quân y.
Duyên đưa ông tới với nghề là khi đoàn kịch Hà Nội đang tìm nhân vật cho vai Xuân tóc đỏ (trong tác phẩm Số đỏ). Đang là giáo viên dạy nhảy, ông liền vào thử vai và không ngờ mình diễn hợp. Đây cũng là vai diễn để đời, đặt dấu mốc vững chắc giúp ông bước vào nghiệp diễn.
Tuấn Dương tham gia hàng chục bộ phim, tạo dấu ấn đặc biệt với các vai nông dân, trưởng thôn, hoặc gã chồng sợ vợ. Đó là anh trưởng công an xã trong phim Đất và người, anh cán bộ đầy mưu mẹo trong Làng ven đô, người cha nông dân của nhân vật chính Vũ Vũ trong Lập trình cho trái tim…Bên cạnh đó ông đảm nhận nhiều vai diễn trong Gặp nhau cuối tuần, Gala cười, Chém chuối cuối tuần và những bộ phim hài Tết.
Nghệ sĩ Tuấn Dương qua đời năm 2013, ở tuổi 61 bởi căn bệnh ung thư vòm họng.
Theo L.H
Đăng nhận xét