Cô giáo Nguyễn Thị Mùi, Giáo viên trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng, Hà Nội có chia sẻ bí quyết làm thi môn Địa đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, cao đẳng.
Cô Mùi cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng môn Địa lí thường có hai phần rõ rệt.
Phần I: Phần chung cho tất cả thí sinh (8 điểm). Trong phần này gồm khoảng 3 câu hỏi lớn. Câu 1(2 điểm), nội dung thường liên quan đến phần địa lí tự nhiên và phần địa lí dân cư – xã hội. Câu 2 (3 điểm), nội dung liên quan đến các ngành kinh tế và địa lí các vùng kinh tế. Câu 3 (3 điểm), nội dung thường hỏi về bảng số liệu, vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích hoặc vẽ lược đồ Việt Nam.
Phần II: Phần riêng (2 điểm). Phần này gồm hai câu hỏi, một câu dành cho chương trình chuẩn, một câu dành cho chương trình nâng cao. Nội dung gồm tất cả các nội dung trong chương trình chuẩn và thêm các nội dung nâng cao (đối với chương trình nâng cao).
Tuy nhiên, có một đặc điểm chung là nội dung của các đề thi tuyển sinh môn Địa những năm gần đây hay liên quan tới các vấn đề có tính thời sự như biển, đảo; các vấn đề xã hội cấp bách như dân số, vấn đề việc làm; các ngành kinh tế chiến lược của quốc gia như ngành Năng lượng, ngành Thủy sản, ngành Du lịch,…
Học sinh thiếu ví dụ minh họa trong bài viết
Theo cô Mùi, sau nhiều năm chấm thi đại học, chấm thi tốt nghiệp THPT thấy học sinh làm bài thường không hết câu hỏi. Khi trả lời lan man, không đúng trọng tâm của câu hỏi hoặc trả lời sai đề, không có dẫn chứng, không có ví dụ minh họa… Một số em học sinh làm bài thừa ý hoặc thiếu ý nên không đạt điểm tối đa. Đặc biệt, nhiều học sinh khi gặp dạng bài làm về biểu đồ thường mắc lỗi xác định sai biểu đồ nên mất hẳn điểm của câu đó, hoặc phần biểu đồ thiếu các chi tiết phụ.
Ví dụ: Đề bài yêu cầu phân tích những điều kiện thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển ngành thủy sản nước ta. Có học sinh chỉ trình bày những thuận lợi về tự nhiên, khó khăn về tự nhiên mà quên các thuận lợi và khó khăn về kinh tế - xã hội. Có học sinh lại trình bày đầy đủ các thuận lợi và khó khăn về cả tự nhiên và kinh tế - xã hội nhưng trong mỗi phần lại thiếu các ý cụ thể. Do vậy, tất cả những lỗi ở trên, ngoài lí do các em chưa nắm vững nội dung môn học trước khi đi thi thì phân lớn là do học sinh không đọc kĩ đề bài, không phân tích đề trước khi làm bài.
Học sinh nên lưu ý đến từ khóa của đề bài để xác định chọn vẽ biểu đồ cho đúng |
Đọc kĩ đề bài là khi nhận đề thi học sinh phải đọc chậm từng câu hỏi trong đề bài. Các em vừa đọc vừa gạch chân dưới yêu cầu của đề bài. Việc này giúp các em xác định đúng trọng tâm của câu hỏi từ đó trả lời đúng, đủ, không lạc đề.
Học sinh cũng cần lập dàn ý ngoài giấy nháp trước khi làm vào bài thi và nên sơ đồ hóa các ý theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể.
Ví dụ: Đề bài yêu cầu phân tích những điều kiện thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển ngành thủy sản nước ta. Khi làm dạng này học sinh cần sơ đồ hóa thành hai ý lớn. Ý 1: Thuận lợi. Ý 2: Khó khăn. Trong ý 1, gạch đầu dòng thứ nhất nói về điều kiện tự nhiên thì các em phải nêu được các ý nhỏ hơn như: Đường bờ biển của nước ta, tài nguyên thủy hải sản của nước ta, các ngư trường, các dạng địa hình ven biển nước ta, hệ thống sông suối, ao hồ, kênh rạch…
Gạch đầu dòng thứ hai nói về điều kiện kinh tế xã hội, học sinh phải nêu được các ý nhỏ như: Kinh nghiệm của người dân, cơ sở vật chất – kĩ thuật, đường lối chính sách, thị trường tiêu thụ,…Sau đó tương tự triển khai sang ý 2.
Từ dàn ý đó, học sinh bắt tay trình bày bài vào giấy thi. Khi làm bài các em vừa trình bày các ý, vừa nêu dẫn chứng, vừa phân tích cụ thể từng nội dung. Nhưng học sinh cần chú trọng phần thuận lợi hơn. Như vậy, bài làm của học sinh sẽ đúng trọng tâm câu hỏi, trình bày đủ ý, các ý trình bày rõ ràng, chặt chẽ.
Học sinh cần nắm vững các dạng biểu đồ cơ bản
Trong phần câu hỏi liên quan đến bài tập, học sinh không phân tích đề bài trước khi làm dễ khiến các em làm sai và mất điểm cả câu hỏi (cả phần nhận xét, giải thích cũng không được tính điểm nếu biểu đồ sai). Thường trong các đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, đề bài không cho sẵn dạng biểu đồ cần vẽ, nên học sinh cần xác định biểu đồ cần vẽ qua từ khóa yêu cầu của đề bài, hoặc mối quan hệ giữa các số liệu trong bảng.
Ví dụ: Qua bảng số liệu trên em hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành của nước ta giai đoạn... Như vậy để vẽ đúng biểu đồ, học sinh cần nắm vững các dạng biểu đồ cơ bản trong chương trình và căn cứ vào từ khóa của đề bài để xác định đúng dạng biểu đồ cần vẽ.
Đơn cử như biểu đồ thể hiện cơ cấu thường có hai dạng cơ bản là biểu đồ tròn và biểu đồ miền. Còn vẽ biểu đồ tròn hay vẽ biểu đồ miền thì học sinh phải chú ý tới số năm. Hoặc biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng thường là biểu đồ đường, học sinh phải chú ý tới bảng số liệu có cần đưa về số liệu tương đối hay không? (khi đó phải thêm bước xử lí số liệu). Khi vẽ biểu đồ, các em cần chú ý tới “lưu ý” đối với từng dạng biểu đồ, sau khi vẽ xong cần điền đầy đủ các chi tiết…
Trước mỗi kỳ thi, học sinh thường có tâm trạng lo lắng, mất bình tĩnh nên khi học bài không chắc,học vẹt (vì học sinh luôn sợ phần này chưa học, phần kia chưa nhớ). Khi vào phòng thi, các em cũng hay mất bình tĩnh nên quên hết kến thức đã học. Do vậy, học sinh nên rèn cho mình tâm lí vững vàng, khi vào phòng thi cần bình tĩnh đọc kỹ đề bài, phân tích đề bài, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, phân bố thời gian hợp lí để làm bài hiệu quả nhất.
Theo Đức Nguyễn
Đăng nhận xét