Là giáo viên dạy vẽ nhưng thầy giáo 9x Lê Văn Thiệu lại khiến mọi người nể phục bởi viết chữ đẹp như in.
Luyện chữ là đam mê

Người thầy 9x không ít lần nhận được những câu hỏi như: "Con trai mà sao viết chữ đẹp thế?"; "Viết chữ đẹp sao lại theo ngành vẽ?"... Trước những câu hỏi đó, thầy giáo 9x chỉ cười, coi đó là một cái duyên.

Lê Văn Thiệu (sinh năm 1990) nổi tiếng là thầy giáo viết chữ đẹp trên miền sông nước Châu Thành (Long An). Ngay từ nhỏ, thầy Thiệu đã được mẹ dạy “nét chữ là nết người” nên dù là con trai, thầy vẫn rất cần mẫn, kiên trì rèn từng nét chữ.
Nét chữ tuyệt vời của người thầy 9x Nguyễn Văn Thiệu
Từ giáo viên tiểu học đến giáo viên trung học phổ thông đều mê nét chữ của thầy giáo trẻ. Thầy không chỉ viết đúng, đủ nét mà chữ viết còn rất đều, mềm, mượt, khiến người nhìn khó phân biệt đó là chữ in hay thường…

Tốt nghiệp THPT, chàng trai trẻ 9x trúng tuyển vào chuyên ngành Mỹ thuật, trường Cao đẳng Sư phạm Long An. Dù quyết định theo nghiệp vẽ nhưng thầy Thiệu vẫn không ngừng trau dồi kỹ năng viết chữ đẹp, chữ cách điệu.

Bên những lọ mực, bút vẽ, người ta vẫn thường thấy chàng sinh viên trẻ cặm cụi, nắn nót viết từng nét chữ trên trang giấy trắng. Không ít người thắc mắc, tại sao đã theo ngành vẽ, Thiệu còn tốn thời gian luyện chữ? Chàng trai chỉ cười rằng, có lẽ luyện chữ là sở thích, đam mê của bản thân.
Ngay cả khi viết trên bảng nét chữ cũng rất đều và đẹp
Thầy Thiệu đã từng tham gia rất nhiều kỳ thi viết chữ đẹp. Năm 2014, thầy là giáo viên nam duy nhất đi thi chữ đẹp ở Long An và “rinh” về giải Nhì. Những nét chữ đẹp "mê hồn" của thầy giáo trẻ là niềm mơ ước của nhiều học sinh và giáo viên nữ.

Thầy chia sẻ: “Muốn viết được chữa đẹp không thể vội vàng mà phải kiên nhẫn, luyện tập chăm chỉ. Bên cạnh đó còn cần sự sáng tạo và niềm đam mê thực sự”.

Nét chữ, nết người

“Nét chữ là nết người”. Thầy 9x cũng có lối sống im ắng, nghiêm túc, nhẹ nhàng như khi viết chữ. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội (hệ liên thông), thầy xin đến dạy tại một trường tiểu học biên giới cách nhà hàng trăm km. Thầy giáo trẻ cho rằng, tuổi trẻ là cống hiến nên không ngại khó khăn, xa xôi để đến một vùng đất mới dạy chữ cho các em nhỏ.

Thiệu là giáo viên Mỹ thuật của trường Tiểu học Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Tại miền quê biên giới xa xôi, nghèo khó này, thầy đã được chứng kiến nỗ lực gieo con chữ của các thầy, cô giáo và sự ham học hỏi của các em nhỏ vùng sâu.
Thiệu là một thầy giáo dạy vẽ nhưng lại giành nhiều giải trong các cuộc thi viết chữ đẹp
Thầy chia sẻ: “Điểm trường cách xa dân làng nên việc đi học của các em nhỏ cũng rất khó khăn. Nhiều em nhà cách trường hàng chục km, phải đi đò qua con sông lớn mới đến được trường. Có lần, nhìn thấy 10 em học sinh chen nhau trên một chiếc xuồng nhỏ, tay giơ chiếc cặp sách lên cao vì sợ ướt mà mình rơi nước mắt. Bữa trưa của các em hầu như chỉ có cơm với muối vừng, đôi khi có thêm vài miếng thịt chuột”.

Những giáo viên như thầy Thiệu cũng gặp không ít khó khăn. Được ở tại nhà tập thể cạnh trường nhưng vì trường có một điểm phụ khác nên đôi khi thầy phải vượt qua con đường lầy lội dài hàng chục km để đi dạy. Thầy giáo trẻ tâm sự: "Có khi trời mưa đường trơn và lầy lội quá, phải gửi xe dọc đường rồi đi bộ đến trường".

Nhưng với những giáo viên như thầy Thiệu, nghị lực, sự ham học của những đứa trẻ nơi đây chính là động lực cho họ cố gắng. Thầy chia sẻ: "Nhìn những em học sinh môi tím thâm, quần xoắn ống thấp, ống cao cặm cụi viết từng nét chữ, mình xót xa lắm. Vì thế nên mình luôn tự nhủ, không chỉ dạy trò cách học chữ mà còn dạy trò nết người".
Để có được nét chữ đẹp như vậy, thầy giáo 9x đã phải rèn luyện rất nhiều
Là thầy giáo dạy vẽ, nhưng Lê Văn Thiệu vẫn tham gia luyện chữ, ôn thi viết chữ đẹp cho các em tiểu học. Rất nhiều em dưới sự rèn luyện của thầy Thiệu đạt giải cao trong các kỳ thi viết chữ.

Thầy giáo 9x tâm sự: “Học sinh ở đây nghèo, nhưng rất tình cảm. Những ngày lễ như 20/11, các em đứa thì trái cà na, đứa thì bịch hạt sen đem đến tặng thầy. Có em còn làm thơ, sau đó nắn nót viết ra trang giấy trắng làm quà. Những thứ đó ý nghĩa hơn bất cứ món quà giá trị nào”.

Chính vì thế nên người thầy 9x tự nhủ, mình chẳng có gì, chỉ có nét chữ truyền dạy cho các em và mong chúng hiểu nét chữ chính là nết người mà rèn luyện cho thật đẹp.
Theo Hạ Nhiên

Đăng nhận xét