Ngồi trước mặt PV là ông Nguyễn Văn Cưng (SN 1927, tạm trú thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) - người vừa trình báo bị cướp 25 cây vàng - là toàn bộ tài sản ông tích cóp được trong 40 năm ăn xin. Tại một quán nước nhỏ cạnh nơi bị cướp, không có vẻ gì hoảng loạn, ông bình thản kể về chuyện đời của mình và chuyện bị cướp. Một thời trai trẻ Mời ông vào quán uống nước, tôi hỏi ông thích uống gì, ông thều thào: “Tui thích nhứt cà phê sữa đá”. Bên ly cà phê sữa đá, ông đã kể về cuộc đời 86 năm của mình, trong đó có tới một nửa là đi ăn xin.
Ông Nguyễn Văn Cưng. |
Nơi ông Sáu Cưng nằm ngủ hằng đêm. |
Cuộc đời hành khất
Nhấp ngụm cà phê, vẫn với giọng thều thào, ông Sáu Cưng kể: “Trời không thương vợ chồng tui, bả không thể sinh con. Thời đó quan niệm “tam niên vô tử bất thành thê”, nghĩa là 3 năm mà không sinh con thì không còn là vợ, người đàn ông phải cưới người khác. Cưới nhau 4 - 5 năm mà không có con, ba má biểu tui đi kiếm vợ khác. Phần vì thương vợ, phần vì nghèo, nên tui cãi lời, tiếp tục sống với vợ cho tới ngày bả chết”. Vợ chồng Sáu Cưng không ruộng đất, cá mắm ngày càng ít, nên phải chuyển qua làm mướn, làm thuê. Ai mướn gì, nặng nhọc đến đâu vợ chồng Sáu Cưng cũng làm, kể cả là dùng sức người kéo cày thay trâu. Có lẽ do vậy mà vợ của Sáu Cưng lâm bệnh nặng và qua đời năm 1967, lúc mới 38 tuổi. Đau buồn vì mất vợ, ông Sáu Cưng cũng lâm bệnh, yếu sức dần, không thể làm thuê làm mướn việc nặng nhọc. Trong khi anh chị em của Sáu Cưng cũng nghèo, lại đông con, nên chẳng ai giúp được gì. Có một người quen trong xóm cũng già yếu, bệnh tật, đi ăn xin bên huyện Tháp Mười, thấy vậy Sáu Cưng cũng bắt chước đi ăn xin. Ban đầu ông còn “đi đi, về về”, sau đó ông dạt qua tận xứ Tân Châu, An Phú (An Giang) để xin ăn, cách nhà cả trăm cây số, cả năm ông mới về thăm quê một lần. Vài chục năm trở lại đây, khi đã già yếu, ông trở về ăn xin ở các huyện gần như Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh… Ông chọn chợ thực phẩm huyện Tam Nông (thị trấn Tràm Chim) làm chốn đi về. Ông kể, thời còn trẻ ông ăn xin cũng rất dẻo miệng, nên được nhiều tiền. Sau này già yếu, không còn sức để kể lể hoàn cảnh, ông chỉ im lặng chìa chiếc nón lá cũ về phía trước. Ai cho thì ông cúi đầu cảm ơn, không cho thì thôi, ông không làm gì phiền hà mọi người. Càng về già, khi tóc đã bạc trắng, ông càng xin được nhiều tiền… Ai cho gì ông ăn nấy, rất ít khi dùng tiền xin được để mua đồ ăn. Từ lúc còn là anh thanh niên làm mướn, bốc vác, ông đã mê cà phê sữa (sau này có thêm đá), đến khi đi ăn xin, hàng ngày la cà các quán nước, ông càng thèm loại thức uống này. Nhưng không bao giờ ông dám bỏ tiền ra kêu cà phê sữa để uống. Biết chuyện đó, bà Tám chủ quán nước ở gần chợ Tam Nông thỉnh thoảng lại hào phóng cho ông uống cà phê sữa miễn phí. Rồi ông Chín bán quán cơm đôi khi cho ông ăn cả đĩa cơm sườn… Sắm vàng cho vui “Xin của bố thí từ thiên hạ, tui đâu dám ăn xài, xin được bao nhiêu tiền tui cứ để dành, rồi mua vàng xỏ xâu quấn quanh người”, ông Sáu Cưng nói về việc mình tích cóp được 25 lượng vàng. Ông cho biết, do không có nhà cửa, không tủ rương, ông chỉ biết giấu vàng miết trong người bằng cách xỏ dây các chiếc nhẫn vàng rồi quấn kỹ hai bên đùi để tránh người khác dòm ngó. Chỉ trừ những ngày bệnh nặng lắm ông mới ở “nhà”, còn lại quanh năm ông đi xin khắp đó đây. Hàng ngày, ít thì cũng được 40.000 - 50.000 đồng, nhiều có khi lên đến 200.000 - 300.000 đồng, đó là khi có người tốt bụng nào đó cho ông cả trăm ngàn đồng. Xin được tiền lẻ, vài ba ngày ông đem đến chỗ bà Bảy bán quần áo nhờ đổi thành tiền chẵn, loại mệnh giá 100.000 - 200.000 đồng. Đôi tháng một lần, ông đem số tiền tích cóp được ra đếm, rồi đến tiệm vàng ở gần chợ Tam Nông để mua vàng - loại nhẫn trơn để ông dễ xỏ xâu quấn quanh người.
Nhiều lúc bà chủ tiệm vàng hỏi ông mua vàng làm gì, ông trả lời vui: “Mua để dành cưới vợ”. Tính ra, trung bình mỗi ngày ông xin được khoảng 100.000 đồng, mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, mỗi năm tích cóp thì sắm được cả lượng vàng. Suốt mấy chục năm đi xin, mà không tiêu xài gì, ông dành dụm được 25 cây vàng, suốt ngày đêm ông mang kè kè trong người. Trả lời câu hỏi, ông già yếu, không con cái, vậy ông tích cóp sắm vàng để làm gì, ông Cưng thều thào nói: “Hồi đó sống khổ cực quá, thiếu thốn mọi bề, nên rất quý đồng tiền. Sau này đi xin được ít tiền, không dám tiêu xài, nêm đem đi sắm vàng. Mấy đứa cháu tui cũng biết tui có vàng, mỗi lần về thăm quê tôi hay đem vàng ra đếm rồi xỏ xâu vào sợi dây. Các cháu biết tui có vàng chứ hổng rõ bao nhiêu. Tui nghĩ, sống thì mua vàng cho vui vậy thôi, còn khi chết thì biết gì nữa, người sống muốn làm gì thì làm. Tui đâu có đem vàng đi theo ông theo bà được”. Hỏi về cái đêm ông bị kẻ xấu cướp sạch số vàng trong người, ông Sáu Cưng bồi hồi nhớ lại: “Ngày hôm đó (ngày 21/12), tui xin được ít tiền, chỉ có khoảng 40.000 đồng. Buổi chiều, tui gộp số tiền đó với số tiền dành dụm mấy tháng trước, đi ra tiệm vàng ở chợ Tam Nông mua được 1,5 chỉ vàng 24K. Tui về “nhà” (sạp bán bánh trong chợ thực phẩm Tam Nông) xỏ xâu quấn vào lưng quần rồi giăng mùng ngủ. Đến khoảng nửa đêm tui bị những kẻ xấu ập vào đè ra lột quần cướp hết. Tụi nó bỏ đi, tui chỉ biết ngồi khóc mà hổng biết kêu ai. Tụi nó lột sạch quần áo, tôi chỉ có cái khăn quấn ngang người, nên cũng hổng dám đi đâu. Đến sáng có người thương tình cho cái quần thun để bận”. Cũng theo lời ông Sáu Cưng, ông bị cướp nhưng không biết đi báo công an, may nhờ mấy bà con tiểu thương ở chợ Tam Nông nghe chuyện nên trình báo cho công an vào cuộc. Với sự tích cực vào cuộc của Công an huyện Tam Nông, ngay ngày hôm sau nhóm người tham gia cướp vàng của ông Cưng đã bị bắt là Trần Quốc Việt (SN 1985), Cao Văn Sang (SN 1994), Lê Đức Duy (SN 1995), Trần Văn Thanh Dân (SN 1996) cùng ngụ thị trấn Tràm Chim và Nguyễn Thái Tài (SN 1996, ngụ phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM). Công an huyện Tam Nông cho biết đã thu hồi được 56 chiếc nhẫn vàng (loại trơn) 24k. Trong đó, có 24 chiếc loại 1 chỉ, 30 chiếc loại 5 phân, 2 chiếc loại 2 chỉ, tổng cộng hơn 4,2 lượng vàng, cùng gần 30 triệu đồng tiền mặt, 1 dây chuyền kim loại màu vàng, 1 sợi lắc màu vàng, 1 chiếc nhẫn màu vàng. Kết quả điều tra ban đầu cho biết, khoảng 22h đêm 21/12, Việt, Tài, Sang và Duy chạy xe máy đến chợ thực phẩm Tam Nông, thị trấn Tràm Chim để thực hiện vụ cướp. Theo phân công, Sang, Duy đứng canh đường, còn Tài và Việt vào chợ, đến chỗ ông Cưng đang ngủ để thực hiện hành vi trấn lột. Lúc nhóm người này đến, ông Cưng phát hiện và thức dậy, nhưng bị Tài chụp đầu, bịt miệng cho Việt lục túi. Chúng thấy túi quần ông Cưng gài nhiều kim tây nên Việt tụt luôn hai cái quần ông đang mặc rồi ôm chạy… Việt cùng đồng bọn sau đó lấy toàn bộ số vàng chia nhau. Theo ông Sáu Cưng, ông cũng đau lòng khi toàn bộ số vàng ông chắt chiu dành dụm cả đời bỗng chốc bị cướp sạch, nhưng ông vẫn tiếp tục đi xin, vì như vậy ông mới thấy khuây khoả. Mới đây, Công an huyện Tam Nông đã đưa ông Cưng về tận nhà người thân ở kênh Đường Nước A (xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) để người thân chăm sóc. Một người cháu của ông Cưng cho biết, hiện thời sức khỏe của ông hơi yếu, người thất thần, có vẻ buồn. Không biết ông buồn vì số vàng bị mất hay buồn vì không được hàng ngày rong ruổi khắp các nẻo đường để ăn xin.
Theo Báo Lao động
Đăng nhận xét