“Người rừng” Hồ Văn Thanh và con trai Hồ Văn Lang (Trà Phong, Tây Trà, Quảng Ngãi) chuẩn bị đón cái tết đầu tiên cùng gia đình và cộng đồng sau 40 năm sống giữa rừng sâu.

Anh Hồ Văn Tri, em của “người rừng” Hồ Văn Lang, phấn khởi nói: “Tết này nhà mình ăn tết to hơn mọi năm. mình đặt mua sẵn ít thịt heo rồi. Gạo thì đã có Nhà nước cho. Rượu và nếp cũng đã mua rồi. Vợ chồng mình sẽ làm mâm cơm cúng giàng, mừng cái tết đầu tiên sau 40 năm gia đình sum họp”. Nói rồi anh mở tủ khoe bộ quần áo mới sắm cho cha và anh của mình.

Nhà mới, quần áo mới, tóc cũng mới
Cha anh Tri - “người rừng” Hồ Văn Thanh vẫn như mọi hôm, ngồi ở hiên nhà, ánh mắt rất thân thiện mỗi khi có khách đến thăm. “Người rừng” Hồ Văn Lang con ông nhoẻn miệng cười chào khi thấy khách đến thăm nhà rồi nhanh chân ra phía sau bếp giúp vợ chồng anh Tri làm những việc lặt vặt.
Để có tiền mua sắm tết, hơn một tháng qua, anh Tri đã đi trồng keo trên rẫy, đi làm thuê cho một số chủ vườn, rồi đi chặt lồ ô bán cho các đại lý. Anh Hồ Văn Thanh cũng vác rựa đi theo người em Hồ Văn Tri và chặt rất nhanh, chỉ một lát là có cả bó lồ ô lớn. Rồi hai anh em lấy dây rừng bó lại, vác thẳng đến các đại lý thu mua gần cầu Hà Riềng để bán.
http://tanchau123.blogspot.com/
Cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (giữa) và Hồ Văn Lang (bìa trái) chuyện trò với khách đến thăm nhà. Ảnh: VÕ QUÝ
Anh Tri kể, thấy cảnh mua bán, “người rừng” Hồ Văn Lang thắc mắc: “Đưa lồ ô cho chủ đại lý rồi nó cho lại tiền à?”. Anh Tri lại bỏ công giảng giải về tiền bạc: “Dùng nó để mua quần áo mới, dép mới đón tết mà”. Thấy anh mình vẫn chưa hiểu, anh Tri đưa anh Lang đến hiệu bán quần áo mua bộ quần áo tết và trả tiền. Anh Lang hiểu ra: “Có tiền này đưa cho nó (chủ hiệu bán quần áo - PV) là nó cho quần áo à? Vậy thì mình chặt thật nhiều lồ ô để nó cho quần áo nhiều hơn”. Nghe anh Lang nói, anh Tri và chủ hiệu bán quần áo ai cũng cười vui. Rồi anh Tri đi mua dép cho cha, đưa cha và anh Lang đi hớt tóc. Anh thợ hớt tóc đầu làng thương hoàn cảnh của gia đình anh Tri nên hớt tóc miễn phí cho “người rừng”. Anh Lang lại hỏi: “Hớt cái tóc này không cần trả tiền sao?”. Anh Tri lại cười, giải thích: “Không. Họ chỉ làm giúp thôi”.

Nhớ núi
Thấy con cái mình lo làm lụng kiếm tiền mua sắm tết, già Thanh vui lắm nhưng cũng có nhiều lúc ông nhìn về hướng núi với ánh mắt xa xăm. Anh Tri nói: “Cha mình chắc đang nhớ rừng đó”.
Sống cách biệt với cộng đồng, già Thanh nào có biết tết cổ truyền của dân tộc. 40 năm trước, sau cái ngày bom đạn Mỹ thả xuống khu vực thôn Trà Nga, ông Thanh hoảng loạn ôm anh Lang chạy vô núi sâu để sống.
Chuyện đón tết Nguyên đán đầu tiên này với già Thanh là rất mới mẻ.
Già Thanh chỉ biết tết ngã rạ mừng mùa lúa mới của đồng bào Cor. Ngày tết được tiến hành theo từng nóc (nhà dài) của người Cor. Đồng bào dựng cây nêu trước nóc, làm bánh ben parok (bánh ống), bánh ben aniq (như bánh ú của người Kinh), mổ heo, gà làm lễ vật cúng giàng, cúng thần nước rồi quây quần trước nóc của mình để ăn uống. Sau đó, họ hát những điệu hát truyền thống của dân tộc mình như xà ru, a giới, gõ chiêng…
Khi mới vào rừng ở, đến kỳ tết ngã rạ mừng lúa mới, già Thanh cũng siêng đi bẫy chồn, bẫy chuột rừng, xuống suối bắt con cá niêng đem về nướng làm cơm rồi mang tất cả xuống dưới gốc cây (có nhà làm ở phía trên) để cúng giàng. Rồi sau đó hai cha con cùng ăn. Nhưng rồi mối quan hệ với cộng đồng xa dần, cuộc sống khó khăn, áo quần làm bằng vỏ cây, phải ăn rau củ thay lúa gạo, tro tranh thay muối nên những mùa tết ngã rạ mừng lúa mới của hai cha con già Thanh trên núi cao cũng rơi vào quên lãng. Bây giờ nghe nói tới tết cổ truyền già Thanh cũng thấy lạ lẫm.
Riêng anh Lang, 40 năm ở trong rừng sâu nên chẳng biết tết ngã rạ lẫn tết Nguyên đán. Nghe anh Tri giảng giải đón tết cổ truyền, bà con mua sắm quần áo mới, uống rượu có nhiều thịt, bánh, rồi đi chúc mừng nhau, sẽ có đấu chiêng truyền thống của người Cor, thi bắn nỏ… anh Lang vui lắm.
 Anh Hồ Văn Tri thở dài: “Cứ nghĩ cảnh cha và anh Lang 40 năm sống cách biệt với cộng đồng, không biết tết là gì mình lại xót và thương quá. Mình sẽ cố gắng hết sức bù đắp cho cha và anh những tháng ngày sống xa cộng đồng đó”.

Những dự định mới
Anh Tri bộc bạch: “Từ ngày cha và anh Lang trở về, Nhà nước và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ xây dựng nhà, cho gạo để ăn, cho trâu để nuôi, tạo điều kiện cho gia đình rất nhiều. Cha mình đã quá già rồi, Nhà nước đã cho cái bảo hiểm y tế, khi ốm đau được chữa trị khỏi tốn tiền. Nhưng để sống căn cơ, hòa nhập tốt với cộng đồng thì không thể xin, nhờ mãi được mà phải cố gắng làm ăn thôi. Qua tết mình sẽ lo chăm bón ruộng, trồng mì và trồng keo trên rẫy, rồi mua thêm con heo, con gà để nuôi. Riêng anh Lang đã biết phát rẫy trồng keo, đi chặt lồ ô về bán, thích nghe nhạc từ điện thoại di động. Năm mới mình sẽ ráng giúp anh Lang hòa nhập tốt hơn để mong anh cũng có một mái ấm”. Anh Lang nghe em mình nói những dự định bẽn lẽn cười gật đầu xác nhận: “Mình cũng muốn làm ăn thật khá, muốn có vợ rồi…”.
Theo Võ Quý

Đăng nhận xét