Người học việc vô danh
Mảnh đất Hà Lan đã sản sinh ra rất nhiều huấn luyện viên lỗi lạc trong lịch sử. Rinus Michels, Johan Cruyff, Guus Hiddink, Dick Advocaat, Frank Rijkaard, Leo Beenhakker… “Tướng quân” Rinus Michels là người có ảnh hưởng nhất bởi tư tưởng của ông bao trùm rất nhiều HLV khác, và là người sáng lập ra “bóng đá tổng lực”.
Van Gaal chỉ là một trong số những người thụ hưởng nền giáo dục mà Rinus Michels phổ cập khắp mọi lĩnh vực trong đời sống của CLB Ajax Amsterdam, lối sinh hoạt và thi đấu gần như theo kiểu thành Sparta của Hy Lạp cổ đại. Thế nhưng nếu như những đồng nghiệp đương thời chọn con đường đi tới các CLB lớn của châu Âu ngay từ những dấu hiệu thành công ban đầu, Van Gaal chọn ở lại Ajax lâu dài. Lý do là bởi vì nếu Johan Cruyff đã quá thành công với tư cách là một cầu thủ để được hưởng tấm séc trả lương kếch xù ở Barcelona, gần như chẳng ai biết đến Van Gaal ở ngoài lãnh thổ Hà Lan khi ông đến làm trợ lý năm 1988.
Van Gaal đi đến tột đỉnh thành công cùng Ajax |
Cái trạng thái vô danh tiểu tốt ấy đến từ việc sự nghiệp cầu thủ của Van Gaal kết thúc trong lãng quên, một tiền vệ chơi bóng chủ yếu cho các đội trung bình mà nhiều nhất là 248 trận cho Sparta Rotterdam. Điều duy nhất gắn bó Van Gaal với Ajax là ở tuổi 20, ông là tiền vệ của đội hình 2, điều mà bất cứ tiền vệ trung tâm nào thời ấy đến Ajax cũng sẽ phải hứng chịu khi mà đội hình 1 sở hữu bộ đôi Johan nức tiếng, Cruyff và Neeskens.
Van Gaal không được học “bóng đá tổng lực” khi làm cầu thủ, mà chỉ tới khi làm HLV ông mới bắt đầu nắm bắt những bài học đầu tiên. Leo Beenhakker, một học trò khác của Rinus Michels, đặt Van Gaal dưới sự chỉ dạy của mình và trao lại chức HLV khi lên nhậm chức ở ĐTQG Hà Lan. Ngày nhậm chức, Van Gaal bắt tay vị giám đốc điều hành của CLB và tuyên bố: “Chúc mừng ông vừa ký với huấn luyện viên xuất sắc nhất thế giới”.
Nói được là phải làm được, Muhammad Ali đã nói vậy. Nhưng nếu Ali có thể một mình làm được trên sàn boxing, tuyên bố của Van Gaal khó trở thành hiện thực trong một môn thể thao đồng đội. Và Van Gaal đã gặp may. Học viện Ajax cho ra lò những sản phẩm mà sau này trở thành nền móng của đội tuyển Hà Lan ở mọi giải đấu lớn, và một triều đại bắt đầu. Patrick Kluivert, Marc Overmars, Dennis Bergkamp, anh em nhà De Boer, Edgar Davids, Clarence Seedorf, Edwin van der Sar… sau này đều có những sự nghiệp lâu dài với bóng đá.
Pha nhảy cẫng ăn mừng của Van Gaal |
Sự hòa trộn giữa lực lượng trẻ chất lượng và phong cách huấn luyện của Van Gaal biến Ajax thành một thế lực châu Âu với độ tuổi trung bình là 23. Quá trình ấy không đến nhanh, Ajax phải mất 2 mùa giải về nhì ở Eridivise trước khi trở thành nhà vô địch Hà Lan và khởi đầu cho 3 mùa giải huyền thoại kế tiếp, với đỉnh cao là mùa giải 1994-95 bất bại cùng chức vô địch Champions League.
Điểm quan trọng của Ajax dưới thời Van Gaal, đó là họ chơi một thứ bóng đá tấn công rất khoáng đạt, nhưng tính kỷ luật rất cao và đặc biệt không một ai dám “bật” Van Gaal trong bất cứ trường hợp nào khi bàn bạc về chiến thuật. Đó là cái hay của một đội bóng trẻ: với thành phần chủ yếu là những lũ nhóc, người thầy có thể thoải mái dạy bảo và gò họ vào khuôn khổ, nhất là khi lũ nhóc này chưa giành được thứ gì trong cuộc đời cầu thủ để ra oai.
Đáy và đỉnh
Triều đại của Ajax không tồn tại được sang thiên niên kỷ mới. Khi những trụ cột trở thành cầu thủ tự do, họ có lựa chọn để kiếm những số tiền khổng lồ ở những đội bóng giàu hơn, và họ đã rời Ajax. Van Gaal cũng trong dòng chảy ấy, kết thúc hợp đồng với Ajax, nhận tước Hiệp sĩ từ Hoàng gia Hà Lan rồi sau đó ra mắt tại Barcelona, tuyên bố một cách hùng hồn rằng ông thành công ở Ajax còn nhiều hơn thành công mà Barca kiếm được trong 100 năm.
Cả Sir Alex (trái) và Van Gaal (phải) đều là những "máy sấy tóc" |
Có điều, bắt đầu từ đây Van Gaal bước vào một giai đoạn bất ổn định về công việc, và thời kỳ hoạt động này đã bộc lộ điểm yếu của Van Gaal. Tại Barcelona, ông đoạt 2 chức vô địch La Liga cùng 1 Cúp nhà Vua, nhưng mối quan hệ với các cầu thủ trở nên xấu đi theo thời gian. Những ngôi sao ở Barca không phải là lũ nhóc dễ bảo ở Ajax, đặc biệt là Rivaldo, người chỉ muốn chơi trung phong mặc dù Van Gaal đòi anh phải đá cánh trái. Sau khi thất bại với ĐT Hà Lan ở vòng loại World Cup 2002, Van Gaal trở lại Barca để một lần nữa chật vật với việc uốn nắn một đội hình nhiều sao, và ông bị sa thải khi Barca đứng gần nhóm xuống hạng sau nửa đầu mùa 2002-03.
AZ Alkmaar, điểm đến tiếp theo của Van Gaal, mang đến cho ông bước hồi sinh sự nghiệp cần thiết. AZ là một thế lực cũ của bóng đá Hà Lan, và ở thời điểm Van Gaal mới đến năm 2005, họ mới trở lại tranh chấp chức vô địch nhờ sự chống lưng của một doanh nhân giàu có. AZ không giống như Ajax năm 1991, họ là một đội hình có tuyển thủ quốc tế đã thành danh chứ không hoàn toàn là một đám lính mới ngơ ngác, thế nhưng đội hình ấy đã thể hiện dưới kỳ vọng trước khi Van Gaal đến. Điều đó sau này trở nên quan trọng, vì Van Gaal có thể tùy ý áp đặt tư tưởng chiến thuật với sinh hoạt của mình lên đội bóng mới.
Dưới sự huấn luyện và quản lý rất khắt khe của Van Gaal, AZ tranh chấp chức vô địch Hà Lan trong 2 mùa đầu tiên và về nhì ở Cúp quốc gia năm 2007. Có điều cũng giống như Ajax, sự thành công khiến các CLB lớn lôi kéo nhân tài của AZ, và mùa giải 2007-08 đội bóng chơi quá tệ tới mức về tận thứ 11 ở Eridivise, tụt 8 bậc liền. Van Gaal viết đơn xin từ chức, nhưng Ban giám đốc và các cầu thủ khẩn nài xin ông hãy ở lại đến khi hợp đồng chấm dứt (2009). Van Gaal chấp nhận.
Mùa bóng 2008-09 khởi đầu không khả quan chút nào, AZ thua 2 trận đầu. Thế nhưng thắng lợi 1-0 trước ĐKVĐ PSV Eindhoven ở vòng 3 mở màn cho chuỗi 28 trận bất bại và chức vô địch quốc gia đầu tiên sau đúng 28 năm. Van Gaal trở lại với đỉnh cao và sau khi hợp đồng kết thúc, ông trở lại với ánh sáng châu Âu khi đặt bút ký với Bayern Munich.
Theo Quân Hoàng
Đăng nhận xét