"Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh". Những câu ca trong bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn đã khiến hồn người xa quê bâng khuâng hoài niệm tư hương.
Rau đắng đất là loài cây mọc hoang cạnh mé ao, đìa hay trong các liếp mía, giồng khoai ở khắp vùng đất Tây Nam bộ. Khi mưa mùa chấm dứt cũng là lúc loài cây này vươn lên tươi tốt.
Cá rô, rau đắng |
Rau đắng đất cọng nhỏ bằng que tăm, có nhiều đốt. Lá của loại rau này giống như những chiếc lông chim màu xanh lục, bé bằng móng tay út, mọc từng đôi quanh thân cây.
Từ lâu dân gian miền Tây Nam bộ đã tận dụng rau đắng để phục vụ cho việc ăn uống của con người. Rau đắng đất nhổ cả bụi về rửa sạch đất ở rễ, phơi khô, sao vàng ngâm rượu đế để giành nhâm nhi trong bữa cơm vừa tăng hương vị.
Dân gian còn dùng rau đắng để chế biến các món ăn rất đáo để.
Canh cá rô đồng, cá trê vàng nấu rau đắng đất
Rau đắng hái về rửa sạch để ráo. Cá rô đồng tháng Chạp khi nước đồng rút cạn, trên đường trở về sông rạch nhảy lọt vào các hầm giữa bờ ruộng mà người dân quê đào sẵn. Dân gian gọi là cá rô mề, bởi nó vừa lớn vừa mọng mỡ.
Canh cá rô rau đắng |
Bắt cá về làm sạch, rồi bắc nồi nước sôi lên thả cá vào, chờ nước sôi lại, vớt bọt, nêm chút muối hột. Rau đắng sắp sẵn ra tô, nêm thêm bột ngọt. Xong, dùng muỗng múc nước sôi đang nấu chế vào tô canh.
Cá để lên trên, rắc thêm ít tiêu là có món ăn ngon lành. Theo kinh nghiệm, rau đắng không được bỏ vào nồi nấu, vì trong nước sôi, rau chín gục sẽ rất đắng và dai.
À ơi… Canh rau đắng, cá rô đồng,
Nồi cơm mẹ nấu à ơi... thơm nồng buổi trưa.
Cá trê vàng tươi chạy lộp hay giăng lưới bắt được đem làm sạch nhớt, có thể để nguyên con hoặc khứa làm hai, ba tùy theo ý mỗi người, để ra rổ cho ráo.
Cách nấu canh cá trê rau đắng cũng tương tự như cách nấu cá rô vậy. Có điều hương vị của nó sẽ khác đi ít nhiều.
Canh cá trê rau đắng |
Bữa cơm canh rau đắng thường được dọn kèm với cá trê kho gừng. Tất cả thực phẩm ấy đều gần gũi, từ môi trường chung quanh, bằng trí tuệ của mình người bình dân đã tận dụng để phục vụ cho chính mình và điều đó đã trở thành nét văn hóa ẩm thực chốn đồng quê. Hãy nghe lời một chàng trai nhà quê mượn món ăn dân dã để tỏ tình yêu:
Rau đắng nấu cá trê vàng,
Ngọt ngon vì bởi tay nàng nấu canh.
Thật là đáo để hết chỗ nói vậy!
Cháo cá lóc rau đắng đất
Cách chuẩn bị cũng tương tự như khi nấu canh. Có điều khi nấu cháo người ta thường chọn cá lóc.
Cá đồng câu nhấp được con cỡ cườm tay đem về làm sạch, nhớ giữ lấy bộ ruột, vì đây là chỗ ngon nhất. Bắc nồi cháo nấu bằng gạo mới lên bếp cho nhừ, thả cá vào chờ vớt sạch bọt, cặn,... nêm cháo cho vừa ăn. Rau đắng sắp vào tô, múc cháo ra, rắc thêm ít tiêu xay nhuyễn, chan miếng nước Hòn, ít lát ớt, húp xong tô cháo thì quả là bao nhiêu mệt nhọc, cảm mạo đều tan biến.
Món cháo cá |
Đầu cá, ruột cá được gắp riêng ra đĩa, để ăn kèm. Có người còn dùng để nhâm nhi với vài chung rượu ngâm từ chính rau đắng và nghe đâu đó văng vẳng câu hò của cô gái miền thôn dã:
Rau đắng ngọt lịm tình quê,
Anh đi lục tỉnh anh mê không về.
Rau đắng làm mát gan do kích thích tiết mật, thông tiểu, nhuận tràng; dùng trong trường hợp nóng nảy trong người làm lở miệng, viêm nha chu, chảy máu răng; dùng lá rau đắng xông hơi trị ho cảm và viêm phổi; nước rau đắng uống nhiều lần trong ngày trị ngừa sạn thận và sỏi mật...
Theo Út Tẻo
Đăng nhận xét