Lễ viếng Đại tướng tại căn nhà 30 Hoàng Diệu hay ở những miền đất nước in dấu nhà lãnh đạo tài ba đều để lại những hình ảnh cảm động rớt nước mắt.
Cụ bà 93 tuổi, Lê Thị Tần đã lặn lội bắt xe đò từ Vĩnh Phúc và có mặt ở Hà Nội lúc 5 giờ sáng để xếp hàng vào viếng Đại tướng. Cụ nói: "Cả đời chưa được gặp bác Giáp lần nào nhưng bác là người tôi suốt đời kính trọng, ngưỡng mộ. Chỉ mong sao thắp cho bác một nén nhang"
Giáo sư Văn Như Cương, người thầy nổi tiếng đã 76 tuổi lặng lẽ hoà vào trong dòng người đang xếp hàng vào viếng Đại tướng. Giáo sư đã chờ cả mấy tiếng đồng hồ để được thắp nén nhang cho vị anh hùng dân tộc
Cựu chiến binh Phàng Sao Vàng, 79 tuổi, người dân tộc H'Mông, không quản ngại đường xa xôi, đi từ chiều tối ngày 5/10 về Hà Nội để được viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu. Hành trang của ông Vàng là chiếc xe máy đơn sơ, bộ quân phục và những huân chương kháng chiến cùng tấm lòng tiếc thương vô hạn.
Cả gia đình viếng Đại tướng trên xe lăn chiều 8/10. Sau nhiều giờ chờ đợi, họ đã vào tới nơi thắp hương cho Đại tướng. Trên quãng đường di chuyển, họ đã nhận được khá nhiều sự hỗ trợ của các thanh niên tình nguyện.
Bà Trần Thị Trương luôn có mặt ở trước nhà Đại tướng từ rất sớm và thường ra về khi đã quá nửa đêm. Dù được vào viếng Đại tướng từ chiều 6/10 nhưng ăn cơm xong là bà lại đến, hòa vào dòng người thăm viếng. Hơn 22h đêm nhưng người phụ nữ 50 tuổi vẫn chưa chịu về, mặc gió lạnh và sương đêm. Hôm trước bà ở đây tới hơn 3h30 sáng, chỉ chịu về khi con gái tới đón vì lo cho sức khỏe của mẹ.
Các cầu thủ U19 Việt Nam đã dành 1 phút tưởng niệm Đại tướng trước lá cớ Việt Nam có đeo khăn tang. Tất cả các cầu thủ cũng đều đeo tang trong suốt trận đấu. Và chiến thắng 5-1 trước Australia là chiến công các cầu thủ trẻ dành tặng cho Đại tướng.
Rất nhiều các bạn trẻ ngoại quốc cũng xếp hàng để được vào viếng Đại tướng.
Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đi trong lặng lẽ tới viếng Đại tướng, vì không muốn gây ra ồn ào hoặc những sự cố ngoài ý muốn, anh đã liên hệ với người nhà để được vào viếng trước nhưng chẳng may lại bị người dân hiểu lầm là không chịu xếp hàng vào viếng. Sau khi người nhà Đại tướng và nam ca sỹ cùng trình bày nguyên nhân thì ai nấy cũng đều xúc động trước nghĩa cử của Đàm Vĩnh Hưng.
Tại quê nhà ở Quảng Bình, người người cũng đang tới nhà riêng của Đại tướng để phúng viếng. Một người cựu chiến binh đã giơ tay chào Đại tướng theo phép nhà binh rất nghiêm trang trước di ảnh của Đại tướng. Hình ảnh cứng rắn nhưng lại làm mềm lòng bao trái tim.
Nhìn vào hình ảnh này, ai ai cũng thấy tự hào bởi sự đoàn kết của dân tộc. Nhà sử học Dương Trung Quốc nói "cả nước đang nắm tay nhau" khi hoà vào dòng người từ mọi miền tổ quốc đến viếng Đại tướng. Các bạn sinh viên tình nguyện đã làm nên một hình ảnh đẹp ở con đường đẹp nhất Hà Nội, nơi có vị tướng tài ba nhất lịch sử dân tộc đang yên nghỉ.
Đăng nhận xét