Cơ quan chức năng đã phát hiện số cơ sở sản xuất, kinh doanh có hàng chục thùng hàng đã hết hạn sử dụng năm 2010.
Ngày 3/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong đợt kiểm tra cao điểm chất lượng mặt hàng bánh Trung thu, Thanh tra liên ngành TP Hà Nội đã phát hiện một số mẫu bánh vi phạm thậm chí có loại hết hạn sử dụng nhiều năm.
Tại cửa hàng kinh doanh bánh trung thu Kinh Đô thời vụ trên phố Bạch Mai (nằm đối diện số 516 Bạch Mai), đoàn kiểm tra đã phát hiện 28 thùng hàng gồm bột ngũ cốc, bánh vừng dừa, bánh Asean (không phải sản phẩm Kinh Đô) có giá trị 2,5 triệu đồng đã hết thời hạn sử dụng năm 2010, 2011.
Theo đó, đã xử phạt cơ sở này tổng cộng 1,9 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không có giấy phép kinh doanh, buộc tiêu hủy số hàng hóa hết hạn theo quy định.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế khi kiểm tra, cơ sở kinh doanh này cho hay: chỉ dùng những thùng bánh này để kê vào các góc của gian hàng. Trước thắc mắc của phóng viên về vấn đề này, ông Hạnh cho biết đơn vị xử lý vụ việc thuộc thẩm quyền là Đội Quản lý thị trường số 5.
Cũng trong đợt này, Đoàn Thanh tra liên ngành đã kiểm tra 85 cơ sở sản xuất bánh Trung thu, xử lý 8 vụ việc vi phạm về sản xuất, phạt hành chính 9,4 triệu đồng, tạm giữ 264 chiếc bánh để giám định chất lượng.
Qua lấy 24 mẫu sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo để kiểm nghiệm, cho thấy có 4/12 mẫu có sử dụng chất bảo quản (trong ngưỡng cho phép), còn một số tiêu chí khác về khuẩn ecoli, nấm mốc... vẫn đang chờ kết quả do thời gian giám định cần 7-10 ngày.
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, năm nay có tình trạng nhiều cơ sở thay vì sản xuất đã gia công sản phẩm để hưởng lợi nhuận.
Trong khi đó, khảo sát tại các làng nghề ở Hoài Đức, giá một hộp bánh Trung thu truyền thống giá khoảng 58.000 đồng, nhưng giá các loại bánh sau khi gia công có thể cao gấp 3 lần; nhiều loại bánh có thương hiệu, có thể có giá tới cả chục triệu đồng nhưng nguyên liệu đầu vào cơ bản như nhau.
“Chúng tôi cũng phát hiện có cơ sở kinh doanh đóng gói cả rượu vào bánh Trung thu, nhưng chủ cơ sở cho biết là chỉ để trưng bày cho đẹp, nên không xử lý”, Ông Lộc cho biết.
Cảnh giác đồ chơi Trung thu độc hại
Theo lãnh đạo Sở Y tế, lỗi vi phạm đối với sản phẩm bánh Trung thu năm nay chủ yếu là không ghi định lượng hoặc không đủ định lượng, không đảm bảo vệ sinh khi sản xuất, vi phạm quy chế nhãn mác hàng hóa.
Bên cạnh một số điểm bán hàng được Sở GTVT cấp phép, trên vỉa hè còn có nhiều điểm bán hàng tự phát, số điểm này nở rộ hơn mọi năm.
Trả lời câu hỏi về vấn đề quản lý, kiểm tra và xử phạt cơ sở kinh doanh đồ chơi Trung Quốc không rõ chất lượng, nhập lậu vào thủ đô gia tăng dịp Trung thu năm nay, ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết: Hàng năm, Chi cục quản lý thị trường đều có các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh đồ chơi Trung Quốc. Theo ông Lộc, đây là loại đồ chơi có thể có chất độc hại, có loại mang tính bạo lực, kích động. Số lượng tiêu hủy mỗi năm khá lớn.
Ông Lộc cũng khuyên người dân cần thông thái hơn, để không mua phải loại đồ chơi kém chất lượng do tái chế có thể nhận biết được như nhựa không trong, loại đồ chơi này có thể chứa chất độc hại, làm trẻ bị phơi nhiễm.
Theo Tiền Phong
Đăng nhận xét