Trung Quốc đang áp dụng nhiều chiến thuật để phục vụ cho mưu đồ biến Biển Đông thành ao nhà.
Mặc dù báo chí quốc tế đã tốn không ít giấy mực để bàn về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc và những chiến thuật “cải bắp” để gặm dần Biển Đông của họ, những chiến lược, chiến thuật tinh vi mà Bắc Kinh đang áp dụng để biến vùng biển chiến lược này thành ao nhà vẫn còn là một bí mật đối với nhiều người.

Trong một bài báo gần đây, hãng tin Reuters đã hé lộ một phần bức màn bí mật đó, phanh phui cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ rằng Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng trên Biển Đông không phải bằng lực lượng quân sự hùng hậu của họ, mà bằng 50.000 vũ khí bí mật tưởng chừng như vô hại.
Tàu chiến Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông
Bài báo của Reuters đã điểm lại những chiến lược “nhiều mũi giáp công” của Trung Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, từ việc thực thi chính sách “cây gậy nhỏ” để răn đe các nước láng giềng cho đến “cướp” chủ quyền bằng cách huy động 50.000 tàu cá đánh bắt trên những khu vực tranh chấp.

Không có gì thể hiện “chủ quyền” rõ ràng hơn bằng việc một quốc gia thực hiện các hoạt động bình thường trong lãnh thổ của họ, chẳng hạn như hoạt động đánh bắt cá. Chính vì vậy, Trung Quốc đang thực hiện một âm mưu khi đưa 50.000 tàu cá xuống Biển Đông, để dần dần khiến thế giới phải thừa nhận rằng vùng biển này là của họ.

Bài báo của Reuters có đoạn: “Trên đảo Hải Nam, một thuyền trưởng tàu cá đang khoe với phóng viên chiếc tàu cũ kỹ của mình. Thế nhưng, trên tàu lại có một thiết bị rất hiện đại, đó là một hệ thống định vị vệ tinh được kết nối trực tiếp với hải cảnh Trung Quốc trong trường hợp có biến xảy ra khi đánh bắt trên Biển Đông”.

Cho đến đầu năm nay, Trung Quốc đã cho lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh Beidou cho hơn 50.000 tàu đánh cá của họ. Tại đảo Hải Nam, các chủ tàu cá chỉ phải trả chưa đầy 10% chi phí cho việc lắp đặt hệ thống này, còn chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ phần còn lại.
Hệ thống định vị vệ tinh Beidou của Trung Quốc
Hành động này của chính phủ Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy họ không chỉ khuyến khích ngư dân ào ạt tiến xuống Biển Đông để đánh bắt trong vùng biển của các nước láng giềng mà còn sẵn sàng hỗ trợ họ qua đường dây nóng trực tiếp trong trường hợp bị lực lượng thực thi pháp luật của nước ngoài ngăn cản, bắt giữ.

Theo thông tin trên tờ Quartz, Trung Quốc hiện có 695.555 tàu cá, và với việc trang bị hệ thống định vị hiện đại trên, ngày càng nhiều tàu cá Trung Quốc sẽ “đổ bộ” xuống Biển Đông trong tương lai gần.

Theo Reuters, đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hỗ trợ tài chính ngày càng lớn cho ngư dân để thâm nhập sâu hơn xuống Biển Đông để tìm kiếm các ngư trường mới.

Nhiều ngư dân ở Hải Nam cho phóng viên Reuters biết, chính quyền khuyến khích họ đến đánh bắt ở những vùng biển tranh chấp, còn chi phí xăng dầu sẽ do chính quyền lo. Điều này đồng nghĩa với việc 50.000 tàu cá này sẽ biến thành 50.000 vũ khí bí mật lợi hại trên tiền tuyến của Trung Quốc tại một trong những điểm nóng của châu Á.
50.000 tàu cá Trung Quốc sẽ ào ạt tiến xuống Biển Đông trong thời gian tới
Trong suốt bảy năm qua, Trung Quốc đã không ngừng sử dụng các loại tàu thuyền phi quân sự nhằm tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ ở vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Trung Quốc xua “hạm đội tàu cá” của họ xuống Biển Đông với quy mô lớn đến vậy và với sự hỗ trợ trực tiếp “khủng” đến thế.

Reuters cho biết: Một số ngư dân ở Hải Nam nói rằng chính quyền khuyến khích họ tới đánh cá ở tận quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách Hải Nam tới gần 1.100 km. Những ngư dân này cũng tuyên bố sẽ khởi hành tới vùng biển đó càng sớm càng tốt sau khi nhận được sự hỗ trợ của chính quyền.

Viên thuyền trưởng của một tàu cá tiết lộ, mỗi chuyến đi như vậy, ông ta sẽ nhận được 2.000-3.000 nhân dân tệ (gần 7-10 triệu đồng) mỗi ngày cho một động cơ 500 sức ngựa. Ông này nói: “Chính quyền bảo chúng tôi cần phải đi tới đâu, và họ trả tiền xăng dầu cho chúng tôi dựa trên kích cỡ động cơ”. Ông này cũng không hề giấu giếm rằng, chính quyền thúc họ xuống Biển Đông để “bảo vệ chủ quyền”.

Với những chiến lược mà Trung Quốc đang áp dụng trên Biển Đông, sau một loạt động thái như kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, xuất bản bản đồ khổ dọc bao gồm “đường lưỡi bò”, các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế phải luôn nêu cao cảnh giác trước tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh, một yếu tố gây căng thẳng và bất ổn nghiêm trọng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Trí Dũng

Đăng nhận xét