Đây là một trường hợp hiếm hoi về một cậu bé người Mỹ đã làm tốn biết bao giấy mực của các học giả và giới truyền thông. Thông thường, những gia đình phương Tây sẽ không tin vào những câu chuyện loại này mà họ sẽ ngay lập tức đưa người thân đến gặp các bác sĩ tư vấn.
Trong câu chuyện của James Leininger, rất nhiều yếu tố kỳ quặc phát sinh nhưng chẳng một ai, kể cả các chuyên gia có thể tìm ra một điểm dối trá nào trong đó.
Câu chuyện của bé James Leininger – Linh hồn sống sót
Năm đó, khi James Leininger vẫn chưa tròn 2 tuổi, những cơn ác mộng tồi tệ đã bắt đầu xảy ra. Những tiếng thét của James khiến bố mẹ cậu cực kỳ hoảng sợ. Khi họ đến bên cạnh thì đều sẽ thấy cảnh James đang đá chân, đấm tay vào không khí – như thể đang cố gắng trốn thoát khỏi một cái hộp tưởng tượng. Thậm chí cậu bé còn hét lên những từ ngữ ngắt quãng mà bố mẹ không thể hiểu được.
Đôi lúc, người mẹ còn nghe thấy từ miệng con trai mình những câu nói kì lạ: “Máy bay rơi. Cháy rồi! Người đàn ông trẻ không thể trốn thoát!”
James vẫn thường chơi máy bay đồ chơi nhưng chưa bao giờ mơ thấy chúng bị rơi hay cháy nổ. Cậu bé còn chưa bao giờ xem những bộ phim chiến tranh trên TV hay ở rạp chiếu bóng. Những điều bất thường này khiến bố mẹ cậu hết sức bối rối. Những cơn ác mộng có vẻ như bắt đầu từ sau khi James được bố đưa tới một bảo tàng máy bay ở Dallas, nơi trưng bày những chiếc máy bay thời chiến, khi ấy cậu bé mới 18 tháng tuổi. Nhưng tại sao?
Niềm đam mê với máy bay lớn dần, cũng là lúc những cơn ác mộng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bố mẹ James đã mua cho cậu bé rất nhiều loại máy bay, đủ kiểu dáng, kích cỡ khác nhau với hi vọng con mình chơi nhiều sẽ…nhanh chán.
Họ để ý rằng, khi đến gần chiếc máy bay đồ chơi có chỗ ngồi, cậu bé thường đi một vòng xung quanh để kiểm tra trước khi ngồi vào bên trong – giống như một phi công thực thụ.
James giống như một phi công thực thụ – kiểm tra một vòng trước khi lên máy bay |
Một lần, mẹ cậu bé đưa cho con trai chiếc máy bay ở dưới bụng có một thứ giống như là trái bom. Khi bà chỉ cho cậu bé xem thì nga lập tức James đã "chỉnh" mẹ và nói đó là “drop tank” – thùng chứa xăng phụ, có thể thả rơi khi cần thiết.
Bà Andrea Leininger, mẹ của James Leininger cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghe nói đến “drop tank”…Tôi chẳng biết nó là thứ gì cả.”
Khi James được hơn 3 tuổi, bố mẹ đã quyết định đưa cậu bé đến gặp một bác sĩ chuyên trị liệu các vấn đề gặp phải ở trẻ em. Gần như ngay lập tức, những cơn ác mộng đã giảm thiểu rõ rệt. James được khuyến khích kể lại những điều mà cậu bé nhớ được ngay trước giờ đi ngủ, khi được thư giãn và buồn ngủ. Chính từ lúc đó, những câu chuyện gây ngạc nhiên của cậu bé bắt đầu được tiết lộ.
Trong số tất cả những điều mà James kể lại với bố mẹ mình thì cậu bé có nói mình là một phi công và đã từng lái chiếc máy bay Corsair (một loại máy bay tiêm kích). Theo lời kể của James: “Bánh xe loại máy bay này rất hay bị xẹp”. Cậu bé còn nhắc đến chuyện từng bị chỉ định chuyển lên con tàu có tên là “Natoma” và sau đó đã bị bắn rơi bởi quân Nhật Bản trong trận chiến ở Iwo Jima! James thậm chí còn nhắc đến một người bạn trong quân ngũ tên là Jack Larson.
Chiếc máy bay Corsair và con tàu tên Natoma |
Tất cả những chuyện này quá sức khó hiểu với bố mẹ James, nên họ đã quyết định tìm hiểu xem liệu có cơ sở thực tế nào không. Gần như ngay lập tức, bố của James, ông Bruce đã phát hiện ra, Corsair chính xác là một loại máy bay được sử dụng trên biển Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ II và rằng, nó thực sự đã từng bị nổ lốp nếu hạ cánh khó khăn. Sau đó, ông còn tìm thấy ghi chép về một tàu chở máy bay loại nhỏ hoạt động trong trận chiến ở Iwo Jima có tên là “Vịnh Natoma”. Nhưng điều đáng chú ý nhất ở đây là thực sự có một phi công tên là Jack Larson đã từng phục vụ trên vịnh Natoma. Và thực ra thì Larson vẫn còn sống ở gần Arkansas.
Trong khoảng thời gian này, James bắt đầu vẽ tranh về chiếc máy bay của mình và khi nó bị bắn rơi. Sự thật là việc này dường như đã giúp cậu bé thoát khỏi những cơn ác mộng khủng khiếp.
Bruce nhanh chóng liên lạc với Jack Larson và được biết rằng người phi công duy nhất bị bắn rơi trong phi hành đoàn vịnh Natoma có tên là James M.Huston Jr., bị bắn trực diện và rơi xuống như một quả cầu lửa. Bruce cho biết đó là lúc ông tin rằng con trai mình thực sự có “kiếp trước” và đó không ai khác, chính là James M. Huston Jr.
“Cậu ấy quay trở lại bởi vì cậu ấy có một việc nào đó chưa kịp hoàn thành.” |
Gia đình Leiningers đã viết một bức thư cho chị gái của Huston, Anne Barron, về cậu con trai bé nhỏ của họ. Và bây giờ thì bà Anne cũng đã tin vào câu chuyện này. Có tổng cộng hơn 50 mẩu kí ức khác nhau đã được xác thực.
“Đứa bé đã thuyết phục tất cả với những điều mà một đứa trẻ không tài nào có thể biết được”. Walden Welch là một nhà chiêm tinh học, người đã kiểm tra lá số tử vi của cả cậu bé James Leininger và người phi công đã thiệt mạng trong Thế chiến II – James M.
Huston Jr. Welch cũng là một người tin vào sự thuyết luân hồi và ông chú ý đến những sự sắp đặt bất thường xảy ra giữa những linh hồn tái sinh. Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại rất nhiều trường hợp lừa đảo và tỏ ra vô cùng mệt mỏi khi dính dáng đến vụ việc này. Do nhận được yêu cầu từ một người bạn là Giám đốc sự kiện của A.R.E (thường được biết đến là Quỹ Edgar Cayce, ông đã đồng ý nhận lời điều tra.
“Walden, anh đã bao giờ nghe kể về chuyện một cậu bé nhớ lại kiếp trước của mình là một phi công và bị bắt chết bởi quân đội Nhật trong Thế chiến II hay chưa? Bố mẹ cậu bé đã viết thư nhờ tôi hỏi xem liệu anh có thể nghiên cứu lá số tử vi của cậu bé và đưa ra những nhận xét chuyên môn của mình về những điều mà anh tìm thấy liên quan đến chuyện này…
Theo suy nghĩ của anh thì người tên là James Huston với cậu bé James Leinginger này là một hay chỉ giống nhau mà thôi? Cậu bé sinh ra vào lúc 6h chiều, thứ 6 ngày 10/4/1998, ở San Mateo, California, Mỹ. Còn viên phi công được cho là sinh ngày 22/10/1923 ở South Bend, Indiana, không rõ giờ sinh. Gia đình này mong muốn được nghe những đánh giá về mặt chiêm tinh của anh liên quan đến vấn đề này và tôi sẽ gửi lại cho họ bất kỳ điều gì anh nói nếu anh quan tâm.”
Walden đã quá quen với những bài viết về sự luân hồi và chiêm tinh học của nhà tâm linh tài ba nhất nước Mỹ – Edgar Cayce. Mặc dù ông chỉ là nhà tiên tri chứ không phải nhà chiêm tinh học nhưng Cayce đã soạn ra rất nhiều tài liệu có nhắc đến chiêm tinh học.
“Cayce nói rằng, vị trí của cung mọc (Cung Mặt Trời) ở kiếp trước thường sẽ là vị trí của cung lặn (Cung Mặt Trăng) ở kiếp sau và ngược lại. Đây là mẫu sơ đồ chiêm tinh điển hình của một người nếu họ chết trước khi hoàn thành một “kiếp” thường là những cái chết do tai nạn. Mặt khác, với những “kiếp sống hoàn chỉnh”, khi cái chết về thể xác xảy ra, thì những vị trí của cung mọc và cung lặn được tái hiện y nguyên ở kiếp sau.
Điều này nghe có vẻ khó hiểu nhưng trên thực tế, quá trình này diễn ra rất đơn giản, thực sự rất đơn giản. Tuy vậy, tôi không thể không nghi ngờ về tính đúng đắn của nghiên cứu này, không biết liệu nó có còn đúng nữa hay không. Có thể ví mẫu sơ đồ chiêm tinh như một vết mực đổ trên giấy, bị thấm từ mặt này qua mặt khác, giống như một tấm gương tự phản chiếu chính mình.” – Walden Welch
Sơ đồ chiêm tinh của James Huston (trên và James Leininger (dưới) |
Walden đã tính toán dữ liệu ngày sinh của James Huston. “Mặt trời” của viên phi công nằm ở cung Thiên Bình, còn “Mặt trăng” ở vị trí cung Bạch Dương. Tiếp theo, ông tính toán đến dữ liệu về cậu bé James, và đặt hai sơ đồ song song cạnh nhau.
“Hơi lạnh chạy dọc sống lưng tôi, tóc gáy tôi dựng đứng lên. Cậu bé được sinh ra với mặt trời ở cung Bạch Dương và mặt trăng ở cung Thiên Bình, vị trí đối diện chính xác với Huston. Thậm chí, điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là vị trí cung mọc và cung lặn của cả hai người đều nằm chính xác ở cùng một tọa độ. Đây chính xác là sơ đồ chiêm tinh mà Cayce nhắc đến về một cuộc sống chưa được kết thúc hoàn chỉnh mà bị cắt ngang bởi một tai nạn bất ngờ. Tôi đã hi vọng về một cái gì đó phức tạp hơn nhiều thế này, nhưng rốt cuộc thì điều đó đã được chứng thực bởi toán học. Hai linh hồn này chính xác là một.”
Theo Hải Yến
Đăng nhận xét