Đến năm lên 5 tuổi thì khuôn mặt Thuỳ Dương bắt đầu biến dạng. Các khối u ở gò má, miệng, tai lớn nhanh mắt, mũi, tai, miệng, cằm của Dương đều chảy dài xuống ngực...
Đó là hoàn cảnh đáng thương của chị Đỗ Thùy Dương, 25 tuổi, cư ngụ số 43, tỉnh lộ 8, ấp Châu Thành, thành phố Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Cô gái bất hạnh
Ông Đỗ Tấn Phát, 70 tuổi, cha của Thuỳ Dương, với gương mặt khắc khổ, cố nén cảm xúc, kể về số phận bất hạnh của cô con gái tội nghiệp của mình.
Ông Phát là bộ đội xuất ngũ, năm 1983 ông cưới bà Ngô Thị Khiếm về làm vợ. Cuộc sống gia đình tuy nghèo khó nhưng đầm ấm. Một năm sau ngày cưới bà sinh đứa con gái đầu lòng là Thùy Dương. Lúc tròn một tuổi Thùy Dương trắng trẻo, bụ bẩm ai nhìn cũng thương. Đến hai tuổi thì ông Phát thấy mắt bên trái của con gái bất thường, khi ông đưa tay lại gần con không có phản ứng gì.
Năm lên 5 tuổi thì khuôn mặt Thuỳ Dương bắt đầu biến dạng. |
Nghi là mắt con bị bệnh nhưng vì cuộc sống khó khăn ông phải đi thuê đất ruộng làm xa nhà nên cũng bỏ qua không chở con đi khám. Vài tháng sau thì trên mặt và đầu của Thuỳ Dương xuất hiện nhiều mục nhỏ li ti. Ban đầu như những nốt rôm sảy rồi dần dần lớn lên như những mục cóc.
Đến ba tuổi, bên phải đầu Thuỳ Dương không mọc tóc và bắt đầu phình to lên. Chở con đi khám bệnh thì bác sĩ cho biết Thuỳ Dương có khả năng bị bệnh não úng thuỷ và bướu do di chứng chất độc da cam từ cha.
Đến năm lên 5 tuổi thì khuôn mặt Thuỳ Dương bắt đầu biến dạng. Khối bướu lớn từ trên đầu chảy dài xuống che khuất mắt bên trái, làm mắt trái không còn nhìn thấy ánh sáng. Tiếp theo đó các khối u khác ở gò má, miệng, tai lớn nhanh khiến tất cả các bộ phận bên phải từ đầu đến khuôn mặt em gồm: mắt, mũi, tai, miệng, cằm đều chảy dài xuống ngực không còn nhìn ra hình dạng.
Ông Phát chạy vạy khắp nơi vay được ít tiền chở con lên bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Tại đây sau khi khám cho Thuỳ Dương bác sĩ chuyển em sang bệnh viện Chợ Rẫy, rồi từ bệnh viện Chợ Rẫy chuyển sang bệnh viện Ung bướu.
Cả ba bệnh viện sau khi khám cho em đều lắc đầu và yêu cầu ông Phát chở Thuỳ Dương về vì bệnh của em ngoài khả năng điều trị. Không đầu hàng số phận, chở con về nhà hễ ai chỉ ở đâu có thầy hay, bác sĩ giỏi từ Đông y, Tây y ông đều vay mượn tiền chở con đi trị. Nhưng đến đâu ông cũng nhận được cái lắc đầu ái ngại và câu trả lời: “không trị được”. Bất hạnh thật sự đến với Thuỳ Dương khi năm em tròn 7 tuổi, mẹ em cũng bỏ cha con em đi. Suốt mười mấy năm qua bà không một lần về thăm.
Tháng 9 này, Thuỳ Dương tròn 26 tuổi nhưng cơ thể chị chỉ nặng khoảng hơn 20 kg. Do các khối u lớn chèn ép các dây thần kinh nên nửa thân bên trái bị liệt khiến việc đi lại rất khó khăn. Vì miệng bị chảy xệ dài xuống nên mỗi khi ăn uống, thuỳ Dương phải khó nhọc dùng một tay khoẻ cầm muỗng, tay kia kéo chiếc miệng ra để đưa từng muỗng cơm nhỏ vào bên trong.
Mỗi bữa cơm Dương chỉ ăn được hơn nửa chén. Từ lúc em lên 10 tuổi cho đến nay vì nhà nghèo, lâu lâu cha mới có tiền mua sữa cho Dương uống. Rất may là tuy mắc chứng bệnh quái ác khiến khuôn mặt biến dạng, một nửa cơ thể bị liệt và ảnh hưởng cả não nhưng tâm trí của Thuỳ Dương khá ổn định. Dương biết giao tiếp và có thể trông coi nhà và bán vé số.
Giúp cô gái tội nghiệp
Ông Phát quê ở Đồng Tháp, lúc Dương lên hai tuổi vì cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng bồng con dắt díu nhau về miệt Mỹ Xuyên này làm thuê sinh sống. Rồi ông bà cắm một chiếc chòi nhỏ để ở tạm qua ngày và đến nay đã cất được căn nhà. Căn nhà ông đang ở thuộc diện ở tạm chứ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, mấy chục năm qua không ruộng đất, nghề nghiệp, để có tiền lo cho con ông Phát đã làm đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Để có thêm thu nhập, ông Phát ngăn nhà làm hai, một phần để ở, một phần cho thuê.
Dương bán vé số. |
Trong một lần bán không hết vé số, Dương buồn bã cầm 3 tờ vé số đưa cho cha. May mắn ông Phát trúng được một tờ vé số 10 triệu đồng. Với số tiền này, ông Phát đầu tư mở quầy tạp hóa nhỏ tại nhà để cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, khách hàng khá thưa thớt.Năm 2012, ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sóc Trăng động viên, ông Phát về nhà đóng cái bàn nhỏ để trước cửa, khuyên Dương không nên mặc cảm và ngồi bán vé số. Mỗi ngày Dương chỉ bán được 20-30 tờ vé số.
Ông Phát bày tỏ: "Tuy cuộc sống chật vật nhưng tôi vẫn lo cho Dương cơm ăn, áo mặc lành lặn như bạn bè trang lứa. Năm nay tôi đã 70 tuổi, hổng biết sống chết lúc nào. Tôi mà có mệnh hệ gì, Dương sẽ sống ra sao".
Thời gian qua, Thùy Dương thường đau ốm, lên cơn mỗi khi trái gió, trở trời và ông Phát phải đạp xe từ nhà ra bệnh viện huyện Mỹ Xuyên lấy thuốc cho con… Niềm mong mỏi lớn nhất của ông Phát hiện nay là có được một số tiền để chở Dương lên bệnh viện ung bướu TP. Cần Thơ cắt bớt phần bướu phía dưới để em bớt đau đớn và nhẹ nhàng hơn.
Ông Nguyễn Đại Lượng cho biết: "Gia đình ông Phát thuộc diện khó khăn, rất mong các tấm lòng thơm thảo gần xa, chung tay góp sức để ông Phát có điều kiện chữa khỏi bệnh cho Dương".
Theo Dân Việt
Đăng nhận xét